Monster đã nhận được 6 phút vỗ tay, và đã đạt giải Kịch bản hay nhất tại Liên hoan phim Cannes 2023. Bộ phim của đạo diễn Kore-Eda Hirokazu khiến người xem không khỏi suy tư, cứ mãi chần chừ vì điều gì đó mà không thể rời khỏi màn ảnh.

Poster phim Monster
Poster phim Monster

Monster không tái hiện những trận rượt đuổi căng thẳng hay phiêu lưu vào vũ trụ xa xôi. Phim nói đến những vấn đề nhức nhối hiện nay tại nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có nước Nhật – bối cảnh chính trong phim. Người xem sẽ dễ dàng nhận ra được những chuyện bắt nạt học đường, kỳ thị giới tính, mâu thuẫn gia đình cho đến cả giới truyền thông và chính quyền.

Không dồn dập, không ồn ào, nhịp phim của Monster cứ chậm rãi trôi qua giống như cuộc sống thường ngày mà ai ai trong chúng ta cũng đều đang trải qua mỗi ngày. Ban đầu mọi thứ còn tươi sáng, nhưng càng về sau thì tương lai đen tối cứ như hiện rõ ra trước mắt các nhân vật, từ từ dẫn dắt họ đến với sự bế tắc hoàn toàn trong cuộc sống. Khen Phim phải nói trước với bạn rằng ở đâu đó 1/3 đầu phim thì mọi tình tiết đều chậm hơn so với thông thường. Mình xem nhiều phim Nhật, thấy diễn tiến khá chậm nhưng với Monster thì khúc đầu nó còn chậm hơn nữa, may sao không bị chán, mà cái chậm đó là chuẩn bị cho chuỗi drama liên tiếp phía sau khiến khán giả nôn nao muốn biết cái kết có tốt đẹp hay không.

Saori (Sakura Ando) – một người mẹ đơn thân luôn muốn bảo vệ hết mực đứa con trai Minato (Soya Kurokawa) của mình, dù cho có hơi thái quá

Khen Phim cực kỳ ưng ý với cách dẫn chuyện của phim bởi nó cho thấy được góc nhìn và cảm xúc của từng nhân vật trong một sự vụ cụ thể. Chỉ từ vấn đề bắt nạt ở trường học, nhưng qua cách nhìn nhận của người mẹ, của thầy giáo, rồi đến hai đứa trẻ và cô hiệu trưởng. Từng người một như được nói lên nỗi niềm của mình, không ai bị bỏ quên cả, và cũng nhờ vậy mà khán giả chợt nhận ra được cuộc sống này vốn đầy áp lực, chúng ta luôn muốn che đậy những cái bất ổn để luôn khoe ra gương mặt cười tươi, nhưng đêm về thì nỗi đau trong tâm hồn lại chực chờ tuôn ra như những dòng nước mắt.

Thầy giáo Hori (Eita Nagayama) luôn tận tâm với nghề nhưng lại bị hiểu lầm

Trong khi cha mẹ luôn muốn bảo vệ con mình đến mức thái quá thì dưới cách nhìn nhận của một đứa trẻ, người lớn chưa bao giờ hiểu chúng dù chỉ là một chút. Trẻ con sống trong ngôi nhà ngỡ là tổ ấm nhưng lại có bức tường dày cộm ngăn cách chúng với cha mẹ, mỗi bên nghĩ một kiểu. Con trẻ muốn nói ra suy nghĩ của mình, nhưng cha mẹ đôi khi không hiểu, hoặc cố tình không hiểu, để rồi những vết thương tinh thần và thể xác trong mỗi đứa nhỏ ngày một lớn lên, dồn nén đến tận cùng.

Cô hiệu trưởng với nỗi niềm chôn giấu về một tai nạn đáng tiếc

Không chỉ có bấy nhiêu đó, một số tờ báo cũng được mô tả như những con kền kền ăn xác thối khi chỉ chăm chăm vào mặt tiêu cực của vấn đề, viết một cái tiêu đề đậm chất tiêu cực, in kèm một tấm hình chụp lén người khác và nghiễm nhiên phổ biến những thông tin chưa kiểm chứng đến hàng triệu độc giả. Đôi khi mắt thấy, tai nghe chưa hẳn là đúng, phim nhắc nhở chúng ta rằng cần bình tĩnh suy xét vấn đề dưới góc nhìn của các bên liên quan nhằm tìm ra sự thật.

Bố của Eri – một người đàn ông luôn muốn “chữa” một “căn bệnh” không hề có thật cho đứa con trai

Cái kết của phim cũng là điều làm mình trăn trở. Sau bao nhiêu biến cố trong cuộc đời, thì trong một cơn bão nọ, hai đứa trẻ cuối cùng đã có thể cùng nhau tìm thấy ánh sáng của hạnh phúc, tấm rào chắn ngăn cản cũng biến mất hoàn toàn ở cảnh cuối, như ngầm khẳng định rằng cuối cùng chúng cũng được hưởng tự do thật sự.

Khoảnh khắc đắt giá nhất phim, khi Minato và cô hiệu trưởng đã thấu hiểu nhau

Hãy đến rạp và trải nghiệm một bộ phim Nhật chậm rãi nhưng dữ dội, bình yên nhưng dậy sóng bạn nhé. Monster sẽ chính thức ra rạp từ 21.07.2023.

Mọi bài đánh giá đều chỉ là cảm nhận cá nhân của người viết. Nếu bạn muốn góp ý cho bài review, xin vui lòng comment với ngôn ngữ lịch sự và tôn trọng người khác.

Join the Conversation

1 Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

  1. Cảm ơn bạn. Rất tâm đắc với bài review của bạn. Xin chia sẻ thêm cảm nghĩ về bộ phim này:

    MONSTER (2023) là phim hay nhất về TÌNH BẠN THỜI THƠ ẤU mà mình từng xem – một KIỆT TÁC ĐIỆN ẢNH, 1 KIỆT TÁC NGHỆ THUẬT! Không ngờ 2 diễn viên tuổi nhỏ như vậy mà lại có thể diễn XÚC ĐỘNG đến thế! Ngoài CÔNG SỨC của đạo diễn kỳ tài Hirokazu Kore-eda, chủ nhân của vô số các giải thưởng danh giá ở các Liên hoan phim quốc tế, không thể quên TÂM HUYẾT của nhà biên kịch kỳ tài Yuji Sakamoto mà kịch bản ban đầu của ông đã gây ấn tượng cực kỳ sâu sắc cho vị đạo diễn nổi tiếng cả về tài năng và lòng nhân hậu này. Không thể quên tiếng dương cầm thong dong trầm lắng, đi sâu vào lòng người của nhà soạn nhạc kỳ tài Ryuichi Sakamoto từng thắng giải Oscar cho nhạc phim THE LAST EMPEROR (1987) và nhiều giải khác, đã không may từ giã cõi đời trong sự thương tiếc của giới nghệ thuật và công chúng hâm mộ trên thế giới trước khi phim MONSTER nhận được cùng lúc – một cách rất xứng đáng – 2 giải thưởng quan trọng của Liên hoan phim Cannes. Không thể quên những thước phim có vẻ đẹp giàu chất thơ của nhà quay phim kỳ tài Ryuto Kondo từng hợp tác với Hirokazu Kore-eda trong phim SHOPLIFTERS (2018), phim thắng giải CÀNH CỌ VÀNG. Càng không thể nào quên được cái tên Soya Kurokawa, diễn viên nhí kỳ tài (trong vai Minato) lần đầu tiên đóng phim điện ảnh.

     

    Còn diễn viên nhí Hinata Hiiragi (trong vai Yori) ngay từ phút đầu tiên có khuôn mặt xuất hiện trên màn ảnh (lúc đi học về và gặp mẹ của Minato đến tìm mình) đã vô cùng đáng yêu. Phim cho chúng ta thấy cậu bé ngoan hiền, hồn nhiên, vui vẻ, ấm áp này luôn mở rộng trái tim và luôn sẵn lòng chào đón tất cả mọi người, đến mức có thể nhiệt thành mời 1 người lạ vào nhà, khi chỉ có 1 mình mình ở nhà, 1 cách không do dự, không hề có chút tâm thái phòng ngự nào với ĐỒNG LOẠI, nhưng BẤT CÔNG và BẠC BẼO thay, cậu lại không được nhiều bạn học trong lớp (1 XÃ HỘI thu nhỏ) dang rộng vòng tay đón nhận! Minato & Yori là những người bạn DUY NHẤT hiểu nhau và hợp nhau, nên TÌNH BẠN đẹp đẽ, hồn nhiên, trong trẻo và ấp áp (như cảnh Minato chia sẻ 1 chiếc giày cho Yori) của 2 cậu bé này mới quí giá làm sao! Về cảnh trên toa tàu bỏ hoang mà Minato bộc phát ngẹn ngào (TỰ NHIÊN như không phải diễn và RÚNG ĐỘNG tâm can) nói sẽ buồn đến mức không chịu nổi nếu Yori chuyển sang trường khác (một trong những cảnh đắt giá nhất trong phim), đạo diễn cũng có chia sẻ rằng ông không tập trung vào sức hút giới tính (bởi vì nó không rõ và chưa chín ở độ tuổi đó), mà chỉ muốn khắc họa “cái CẢM GIÁC mình và người bạn DUY NHẤT hiểu mình trên thế gian này không còn được gặp nhau, trò chuyện, vui đùa cùng nhau nữa, nó sẽ đau xót như thế nào!” Không khác gì cảm giác MẤT MÁT người thân, như trong những giấc chiêm bao đầy nước mắt của Minato, cậu bé giàu tình cảm mà lại mất cha quá sớm! Thú thật thời tiểu học mình cũng chẳng có được tình bạn TRI KỶ nào thân thiết đến vậy, nếu có thì đó thật là diễm phúc.

     

    Phim còn đề cập tới đề tài GIÁO DỤC. Cô Hiệu trưởng rất mực điềm đạm, nhẫn nại, người sở hữu khả năng tự kiềm chế rất đáng nể mà TƯỞNG CHỪNG NHƯ lạnh lùng, vô cảm và kỳ quặc ở đầu phim lại mới là người thật sự cao tay trong THIÊN CHỨC giáo dục. Nếu không có 2 câu nói của cô khiến Minato BỪNG TỈNH (awaken): “Chuyện gì không thể nói ra thì hãy THỔI bay biến nó đi” & “Cái gọi là hạnh phúc nhưng chỉ dành riêng cho 1 số người nào đó thì đâu phải là hạnh phúc; thật vớ vẩn! HẠNH PHÚC thật sự, là cái mà ai ai cũng đều có thể chạm tới”, thì có lẽ Yori và Minato đã tìm tới cái chết (self-harm) để được đầu thai thành con vật, như ốc sên chẳng hạn, vì TUYỆT VỌNG (despair) với loài người, loài luôn chỉ thấy người khác là QUÁI VẬT mà không bao giờ tự nhìn ra chính mình mới là QUÁI VẬT chính hiệu luôn đem tới ĐAU KHỔ cho người khác! Ở đây, sự TỈNH NGỘ (enlightenment) nhờ sự dìu dắt của người lớn, 1 nhà giáo dục, là chìa khóa mở cánh cửa tù ngục để tự GIẢI THOÁT khỏi những KHỔ SỞ DẰN VẶT của 2 tâm hồn non nớt, để bước ra ánh sáng mặt trời (cảnh cuối) giữa thiên nhiên thoáng rộng xanh mát không còn rào cản, không còn chướng ngại (tượng trưng cho thành kiến, gossip và dư luận – những thứ “vớ vẩn”, như lời của cô Hiệu trưởng – đã không còn ý nghĩa), và tự do chạy tung tăng trên con đường TƯƠNG LAI TƯƠI SÁNG dài thênh thang với những nụ cười tươi tỉnh, hớn hở và hô vang những âm thanh giòn giã phát xuất từ tâm trạng VUI SƯỚNG TỘT ĐỘ vì bế tắc đã được giải tỏa, nhờ đã thông suốt tư tưởng, không còn bị những CHƯỚNG NGẠI trong tâm trí đoạt mất tự do & hạnh phúc, và, hơn thế nữa, vì CẢ HAI vẫn còn được SỐNG sau cơn bão và vụ lở đất nguy hiểm chết người, bởi vì suy cho cùng, có ai mà muốn tử biệt nếu không phải do tuyệt vọng? Quả là “sau cơn mưa, trời lại sáng”! Chỉ bằng 2 câu nói, cô Hiệu trưởng đã cứu lấy cuộc đời của 2 đứa trẻ đáng yêu và tội nghiệp, nếu không thì cái kết của phim đã có thể hết sức BI ĐÁT, để lại vô vàn sầu thương tiếc nuối muộn màng trong lòng người mẹ đơn thân, người cha nghiện rượu, thầy Hori sau phút phản tỉnh và hối hận vô biên, cô Hiệu trưởng có bí mật khép kín đau thương, cũng như khán giả mộ điệu! Với người lớn như thầy Hori, nếu không phải bất chợt nghe được tiếng thổi kèn như trút, như vứt, như HẮT BỎ hết mọi PHIỀN MUỘN ra không gian, của cô Hiệu trưởng và Minato, để tâm trí thầy dịu lại (đây cũng là để chúng ta thấy giá trị của âm nhạc trị liệu), thì chắc có lẽ thầy cũng đã nhảy lầu tự tử (cảnh sau khi Minato ngã cầu thang & sau khi thầy đã phải LIÊN TỤC ÂM THẦM CHỊU ĐỰNG quá nhiều HIỂU LẦM). Cho nên người làm giáo dục phải hết sức cẩn thận, nhất là giáo dục trẻ nhỏ, bởi 1 câu nói vô tình, kiểu như “Con trai mà thế à?” cũng có thể vô tình gián tiếp đẩy 1 đứa trẻ vào thế giới của sự BẤT HẠNH, vì trẻ thơ có những vấn đề không biết cách giải quyết nhưng lại KHÔNG THỂ NÓI ĐƯỢC VỚI NGƯỜI LỚN. Cho nên cái hay, cái bản lĩnh của cô Hiệu trưởng là đã khéo léo khơi gợi (trong khi mẹ của Minato thì gặng ép cậu nói ra mà vẫn không được nghe SỰ THẬT) được những TÂM SỰ mà Minato không thể thố lộ với thầy chủ nhiệm, và cả mẹ ruột yêu dấu của mình!

     

    Nhà biên kịch kỳ tài Yuji Sakamoto đã chia sẻ rằng ông viết kịch bản này không phải cho đông đảo khán giả, mà cho 1 người cô đơn lạc lõng nào đó trên thế gian này! Đạo diễn kỳ tài Hirokazu Kore-eda cũng chia sẻ rằng ông làm phim này là dành cho 1 cậu bé nào đó giống như Minato hay Yori! Ông còn nói rằng Nhật Bản có câu ngạn ngữ “Nếu bạn có cái tâm đa nghi thì bạn thậm chí sẽ có thể có khả năng nhìn thấy được cả QUỈ DỮ trong bóng tối!” và rằng “nghề làm phim là nghề mà nếu sơ suất thì rất dễ khiến cho người làm phim trở thành MONSTER”, nên ông “phải hết sức cẩn thận khi làm phim!”

     

    Một câu chuyện đầy TRÍ TUỆ, giàu CẢM XÚC và đậm tính NHÂN VĂN được kể bằng ngôn ngữ điện ảnh và thủ pháp nghệ thuật tinh tế, kín đáo, chừng mực, theo kiểu RASHOMON của Akira Kurosawa nhưng đã được nâng lên 1 tầm cao mới bằng những SÁNG TẠO riêng của nhà biên kịch kỳ tài Yuji Sakamoto và đạo diễn kỳ tài Hirokazu Kore-eda, cùng với nhiều hình ảnh tượng trưng, ẩn dụ, ngụ ngôn, như sự TƯƠNG PHẢN giữa 2 hình ảnh mang tính biểu tượng: LỬA, biểu tượng cho lòng oán hận, ở đầu phim, lúc vấn đề khủng hoảng bắt đầu hình thành, với NƯỚC, biểu tượng cho sự xoa dịu, ở cuối phim, lúc nút thắt đã được tháo gỡ (anti-climax), gợi liên tưởng tới cảnh Minato dùng nước để dập tắt lửa mà cậu bé Yori thích chơi lửa đã khơi lên, 1 ẩn dụ cho việc Minato đã XOA DỊU nỗi niềm của Yori bằng 1 TÂM HỒN RỘNG MỞ, không định kiến, không phán xét, không dán nhãn, không phân biệt, không kỳ thị, và trên hết là LÒNG QUÝ MẾN CHÂN THÀNH, tất cả đều dịu mát như nước, như đã được thể hiện qua cảnh Yori thố lộ với Minato: “Ôi Minato, lúc mới chuyển về ngôi trường mới này, tớ còn tưởng là sẽ không thể kết bạn với ai được chứ!” Thế mới thấy sức mạnh và giá trị của TÌNH BẠN thứ thiệt! Còn có 2 yếu tố GIÓ & ĐẤT nữa, đủ cả đất, nước, lửa, gió xuyên suốt toàn cuốn phim, 1 ngụ ngôn thổn thức cho NHÂN TÍNH, mà trong ngụ ngôn đó cả lý trí và tình cảm đan lẫn vào nhau 1 cách hài hòa. Cách thức kể chuyện nhẹ nhàng, điềm tĩnh nhưng vẫn chuyển tải được nội dung dữ dội, hồi hộp của thể loại psycho-thriller! Thế mới khéo, thế mới tài!

     

    CẢM ĐỘNG! Mình đã thật sự mê dòng phim NGHỆ THUẬT mất rồi!

     

    Tiếc rằng các rạp chỉ dành cho phim số xuất chiếu quá ít ỏi, lại còn là những xuất mà thường là ít khán giả, thì làm sao cơ hội thưởng thức nghệ thuật có thể đến với nhiều người?