The Matrix (tựa Việt: Ma Trận) là một trong những loạt phim ăn khách nhất mọi thời đại của Hollywood, phim đã mở ra một thế giới mãn nhãn với những cuộc giao tranh giữa “thực” và ảo”, khiến người xem phải xem nhiều lần mới thấu hiểu và nắm bắt tường tận. Sắp tới phần 4 The Matrix Resurrections (tựa Việt: Ma Trận: Hồi Sinh) sẽ chính thức “trình làng” khán giả toàn cầu, thế nhưng không phải ai cũng đã sẵn sàng để bước vào Ma trận phức tạp nhất màn ảnh rộng. Hãy nghía qua những thuật ngữ quen thuộc nhưng ẩn chứa nhiều tầng lớp ý nghĩa trong thế giới của The Matrix ngay dưới đây!

1. THE MATRIX

The Matrix, hay Ma trận, chính là thế giới chính trong toàn bộ chuỗi phim. Vào năm 1999, bọn người máy đã tạo ra một thế giới “thực tế ảo” mang tên Ma trận tồn tại dưới dạng chương trình điện não. Chương trình này được cấy vào trẻ sơ sinh trong phòng thí nghiệm, sau đó khi lớn lên những người “bị cấy” sẽ nghĩ rằng bản thân đang sống cuộc sống thật, thế nhưng thực chất vẫn đang trong phòng thí nghiệm.

Người máy nổi loạn từ khi được tạo ra vào đầu thế kỷ 21, sau đó thu thập con người để sản xuất nguồn cấp năng lượng mới cho thế giới. Neo là người như vậy cho đến khi nhóm của Morpheus giải cứu anh, rồi tuyển anh vào nhóm “nổi loạn” với hi vọng lật đổ kẻ xấu. Việc Neo phát hiện ra mình sống trong thế giới Ma trận bấy lâu nay được xem là cú twist điển hình của điện ảnh Hollywood.

2. SOCKET

Ở đây chúng ta làm quen với 1 thuật ngữ nữa là “socket” – thiết bị được cấy vào cổ nam chính Neo và những người khác nhằm đưa họ bước vào The Matrix nhưng không bị kiểm soát bởi bọn người máy. Ngoài ra, socket còn tải vào não người dùng nhiều kiến thức cần thiết, như võ thuật hay cách chiến đấu giống Neo đã được tiếp nhận trong phim. Thế nhưng nếu không may một người cấy socket chết trong Ma trận, người đó ngoài đời cũng sẽ bỏ mạng.

3. METACORTEX

Đầu tiên, Metacortex là tập đoàn công nghệ mà nam chính Neo của The Matrix công tác. Ngoài ra, cụm từ này còn có ý nghĩa nôm na là “siêu não bộ”, được dùng để chỉ siêu trí tuệ hoặc siêu tiềm thức mà một cá nhân hay vật thể nào đó sở hữu. Có thể nói, nhờ có được “metacortex” mà Neo có thể bước vào và thấu hiểu tường tận thế giới quan của The Matrix.

4. THUỐC XANH – THUỐC ĐỎ

Viên thuốc xanh và viên thuốc đỏ là hai khái niệm nổi tiếng, mang tính biểu tượng của cả loạt phim The Matrix. Cặp vật thể này được lấy cảm hứng từ truyện Gödel, Escher, Bach: An Eternal Golden Braid, trong đó một triết gia Aristotle và một chú rùa liên tục uống các lọ nước xanh và đỏ để đi ra – đi vào mê cung. Ngoài ra, chi tiết này cũng gợi nhớ đến miếng bánh “Eat me” và chai nước “Drink me” mà Alice từng dùng khi đến Wonderland. “Uống viên thuốc xanh, câu chuyện kết thúc”, người uống nó sẽ không ý thức được sự tồn tại của The Matrix nữa, còn ngược lại người uống viên thuốc đỏ sẽ “ở lại Wonderland và được cho thấy cái hố thỏ sâu như thế nào”.

5. AGENT

Agent là một nhóm mật thám bảo vệ toàn bộ vũ trụ The Matrix, giữ The Matrix khỏi bất kì ai hay bất kì thứ gì có thể để lộ yếu tố “thực tế ảo” của nó. Các “agent” thật ra không phải người thật mà là các chương trình máy tính vô cùng tinh vi cải trang thành đặc vụ chính phủ, thế nhưng cử chỉ và lời nói vẫn không thể tự nhiên như người thật. Đây cũng là kẻ thù chính của nhóm Neo. “Agent” nổi tiếng nhất phải kể đến Agent Smith – phản diện có tầm ảnh hưởng xuyên suốt bộ phim.

6. MAGICAL DIGITAL RAIN

Gắn liền mật thiết với The Matrix chính là hình ảnh “cơn mưa số hóa”. Đây là hiện tượng những dòng kí tự màu xanh lá chảy dài trên màn hình máy tính trong như nước mưa. Các kí tự này có thể là số, kí tự Latin hay chữ Katakana của tiếng Nhật. Hình ảnh “cơn mưa số hóa” này từng khiến cả thế giới điên đảo, trở thành hình đại diện máy tính được yêu thích nhất bấy giờ. Ngoài ra, hình ảnh này cũng truyền cảm hứng cho nhiều bom tấn Hollywood khác, đơn cử như Ghost In A Shell.

7. WHITE RABBIT

Trong The Matrix, máy tính thông minh của Neo đã khuyên anh hãy “theo chân thỏ trắng”. Đây là một chi tiết nổi tiếng từ Alice In Wonderland, trong đó Alice đã đến Wonderland nhờ bám theo một con thỏ trắng rồi lọt hố. Trở lại với Neo, nhờ đi theo một người phụ nữ lạ mặt có hình xăm thỏ trắng trên vai, anh đã gặp Trinity và chính thức bước vào hành trình chinh phục Ma trận.

8. ZION

Zion được xem là thành phố cuối cùng có sự tồn tại của cư dân con người. Theo lời nhân vật Tank, Zion nằm ẩn sâu trong lòng đất, vô cùng gần với lõi Trái đất. Ngoài đời, thuật ngữ Zion còn là tên của một thành phố cổ đại trong văn hóa người Hebrew, có ý nghĩa tương đương với vùng đất thiêng nổi tiếng Jerusalem.

9. THE ORACLE

Thuật ngữ Oracle thường xuyên gắn liền với trí tuệ máy tính, hoặc một nhân vật có tri thức cao đóng vai trò như “quân sư” (giống nhân vật Oracle trong truyện tranh DC). Oracle của The Matrix là một chương trình giả lập có tri giác luôn đứng về phe con người. Oracle sở hữu ngoại hình và giọng nói của nữ giới, song không ai rõ liệu những lời “cô ấy” nói ra lại là điều mà con người cần.

10. NEO

Ngay cả tên của nam chính The Matrix cũng có ý nghĩa riêng. Neo là từ được đảo lại từ “One”, có nghĩa là “một, duy nhất”, khẳng định Neo chính là người duy nhất có thể giải cứu nhân loại. Ngoài ra, Neo còn có nghĩa là “tân”, ở đây chỉ những người đã được khai sáng, như được tái sinh và giờ đây nhận thức đúng và đủ về The Matrix. Nam diễn viên đóng vai Neo chính là Keanu Reeves – người được biết đến nhiều hơn với cái tên John Wick, hay còn được gọi vui là “cậu bé bút chì”.

Với sự trở lại sau 18 năm vắng bóng màn ảnh, thương hiệu The Matrix vẫn nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ khán giả yêu phim trên khắp thế giới. Hiện tại sau 2 tháng ra mắt, trailer đầu tiên của The Matrix: Resurrections đã mang về gần 40 triệu lượt xem, chứng tỏ fan vẫn còn yêu thương và hóng chờ sự trở lại thế giới ma trận của Neo cùng các đồng đội.

Vé xem lại phần 1 The Matrix (1999)

The Matrix Resurrections (tựa Việt: Ma Trận: Hồi Sinh) – khởi chiếu tại các rạp từ ngày 24.12.2021.

Mọi bài đánh giá đều chỉ là cảm nhận cá nhân của người viết. Nếu bạn muốn góp ý cho bài review, xin vui lòng comment với ngôn ngữ lịch sự và tôn trọng người khác.