Cô Ba Sài Gòn (The Tailor) là cuốn phim mới nhất của nhà sản xuất VAA, là cuốn phim được giới hâm mộ điện ảnh mong chờ, háo hức, và có đôi chút hụt hẫng khi phim bị dời lịch chiếu từ tháng 8 sang tháng 11. Sau một quãng thời gian tung teaser, ảnh pop art đủ kiểu thì cuối cùng Cô Ba Sài Gòn cũng đã công chiếu với buổi lễ ra mắt hoành tráng, quà cáp tưng bừng từ trước khi họp báo cho đến sau buổi chiếu.

Cô Ba Sài Gòn poster
Poster phim Cô Ba Sài Gòn

Nội dung phim

Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc thủ vai) đã dẫn dắt khán giả khám phá vẻ đẹp Sài Gòn xưa, cùng với những phong trào của thập niên 60 thế kỷ trước, điển hình là những hình ảnh đề cao tính nữ quyền của phong trào We Can Do It. Như Ý sinh ra trong một gia đình có 9 đời may áo dài nổi tiếng nhứt cái Sài Gòn này. Thế nhưng, cô này lại ko muốn làm truyền nhân, ko muốn nối nghiệp may áo dài của má (Ngô Thanh Vân vào vai), thay vào đó chỉ chăm chăm may Âu phục. Và sau một biến cố, Như Ý quyết tâm học may áo dài để trở thành truyền nhân của nhà may Thanh Nữ, cũng như giữ gìn nét đẹp của tà áo dài Việt.

Nếu tinh ý một xíu, bạn sẽ nhận ra được nội dung của phim thông qua poster, cũng như lời trong ca khúc Cô Ba Sài Gòn. Tuy nhiên, Khen Phim sẽ dành lại điều bí mật về nội dung để bạn tự khám phá khi ra rạp nhé. Chúng ta sẽ nói tiếp về mạch phim, Khen Phim cảm thấy các tình tiết vẫn còn hơi rời rạc, thiếu sự liên kết với nhau. Chưa hết, phần đầu làm Khen Phim hơi choáng vì có quá nhiều thương hiệu thời trang được “nổ” ra, với những người ít hiểu biết về mảng này thì chắc chắn sẽ cảm thấy đuối khi xem phân cảnh đó.

Diễn viên và diễn xuất

Cô Ba Sài Gòn tập hợp đủ các thế hệ diễn viên, từ những gương mặt trẻ như Ninh Dương Lan Ngọc, Diễm My 9X cho đến những cái tên mà ai ai cũng biết là NSND Hồng Vân, Ngô Thanh Vân. Rất nhiều diễn viên phụ cũng như khách mời đã xuất hiện trong phim, tô điểm theo cho cái vẻ đẹp của Sài Gòn xưa mà bộ phim đang hướng tới. Ngoại trừ S.T 365 có phần diễn xuất quá đơ và lời thoại thiếu cảm xúc thì các diễn viên còn lại đều đã thể hiện tròn vai, trong buổi chiếu ra mắt phim thì rất nhiều khán giả cũng đã không cầm được nước mắt khi nhân vật do cô Hồng Vân thủ vai quỳ xuống và ăn năn hối hận về những điều sai trái đã làm trước kia. Ninh Dương Lan Ngọc cũng đã có bước tiến dài về diễn xuất kể từ dự án điện ảnh gần đây nhất của VAA là Tấm Cám Chuyện Chưa Kể, cộng với gương mặt tươi tắn, tất cả đã góp vào sự thành công của bộ phim cũng như đưa tên tuổi của Lan Ngọc đến với nhiều khán giả hơn.

Cô Ba Sài Gòn - popart
Pop art dễ thương từ phim Cô Ba Sài Gòn

Hình ảnh, âm thanh, kỹ xảo

Cho dù chưa được sống qua thời kỳ thập niên 60 của thế kỷ trước, nhưng những nét xưa của Sài Gòn trong phim vẫn theo một cách tác động vào cảm xúc, khiến cho bản thân Khen Phim cảm thấy những gì thể hiện trong phim đã là chuẩn mực của thời ấy, từ cách ăn mặc cho đến cách mà người Sài Gòn xưa giải trí. Phục trang trong phim được thiết kế bởi Thủy Design House nên hình ảnh xưa trong cách ăn mặc hiện lên rất rõ ràng, khác hẳn với thời hiện đại bấy giờ. Stylist Lê Minh Ngọc cũng góp một phần công sức trong bộ phim này, tuy nhiên Khen Phim không rõ là phần nào, rất có thể là stylist này đã hỗ trợ cho phần trang phục giữa phim chăng?

Cũng giống như Tấm Cám Chuyện Chưa Kể, Cô Ba Sài Gòn được đầu tư chỉnh chu về mặt âm thanh, không hề thua kém gì với các phim Hollywood. Năm xưa, khi xem Tấm Cám Chuyện Chưa Kể thì Khen Phim cũng đã rất rất ấn tượng với hiệu ứng và độ mạnh của âm thanh trong phim, thì nay một lần nữa cảm giác ấy lại ùa về. Ca khúc chính trong Cô Ba Sài Gòn cũng có tựa đề trùng với tên phim, được nhạc sĩ Nguyễn Phúc Thiện sáng tác và ca sĩ Đông Nhi thể hiện. Với giai điệu vui tươi, lời ca dễ thuộc, ca khúc này cũng là một trong những điểm nhấn để Cô Ba Sài Gòn ghi điểm trong lòng khán giả.

Vậy có nên xem Cô Ba Sài Gòn hay không?

Cô Ba Sài Gòn là một cuốn phim Việt trên tầm so với những phim khác phát hành trong thời gian qua. Phim cũng không hề câu kéo khán giả bằng những chiêu trò như lộ cảnh nóng, tạo nên thiện cảm trong lòng khán giả. Nhà sản xuất cũng đã khéo léo lồng vào đó nhiều thông điệp về tà áo dài, cũng như tình cảm gia đình thiêng liêng vào trong phim. Xét về sự kỳ vọng, thì Cô Ba Sài Gòn chưa đạt được sự kỳ vọng của mình, tuy nhiên phim không phải tệ, nên bạn hãy yên tâm ra rạp nhé.

Những điểm chưa được của phim (có thể tiết lộ nội dung phim)

  • Nhân vật Tuấn diễn quá đơ, nhất là về lời thoại, cứ đều đều rất khó chịu.
  • Đôi khi diễn viên nói quá nhanh, và còn có cả từ ngữ pha tạp kiểu tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Pháp(?!) theo kiểu thời xưa nên rất khó để hiểu họ nói gì.
  • Phần nội dung chưa liền mạch, thiếu sự liên kết. Viên ngọc trên chiếc áo dài của nhân vật Như Ý tại sao lại có khả năng đưa cô du hành xuyên thời gian, nhà sản xuất cũng chưa nói rõ về cái này.
  • Được quảng bá là phim về Sài Gòn xưa, nhưng chỉ có một xíu xiu là về Sài Gòn xưa mà thôi, còn lại là bối cảnh năm 2017.
  • Phần quảng cáo cho điện thoại của Samsung thiếu sự tinh tế.

Một số hình ảnh tại buổi lễ ra mắt phim Cô Ba Sài Gòn:

Cô Ba Sài Gòn

Nội dung - 7
Diễn viên và diễn xuất - 7
Âm thanh, hình ảnh, kỹ xảo - 7

7

HAY

Cô Ba Sài Gòn là một cuốn phim Việt trên tầm so với những phim khác phát hành trong thời gian qua.

MUA VÉ
User Rating: 3.78 ( 8 votes)

Mọi bài đánh giá đều chỉ là cảm nhận cá nhân của người viết. Nếu bạn muốn góp ý cho bài review, xin vui lòng comment với ngôn ngữ lịch sự và tôn trọng người khác.