Dạ Cổ Hoài Lang

Nội dung - 8
Diễn viên và diễn xuất - 8.5
Âm thanh, hình ảnh, kỹ xảo - 7.5

8

ĐÁNG XEM

Tuy chưa hoàn chỉnh ở vài chỗ về mặt hình ảnh, cũng như còn mang yếu tố kịch nhưng đây vẫn là phim tốt so với mặt bằng chung phim Việt.

User Rating: 4.7 ( 1 votes)

KhenPhim.com – Dạ Cổ Hoài Lang được mong ngóng suốt bao ngày qua, được báo chí ca ngợi là bộ phim sẽ làm cho khán giả quay trở lại yêu thích phim Việt. Xoay quanh câu chuyện về những bậc cha ông, khi sang nước ngoài để sống cùng con cháu thì trong lòng lúc nào cũng day dứt một nỗi nhớ về quê hương. Thế nhưng, con cháu xại xua đuổi, ghẻ lạnh họ, thậm chí cho vào viện dưỡng lão để mà rảnh tay đi làm việc. Thế rồi những khác nhau trong lối sống, trong văn hóa cũng khiến cho những việc tưởng chừng cỏn con lại trở nên to lớn, kiểu chuyện bé xé ra to. Dạ Cổ Hoài Lang không có nội dung mới, thế nhưng với diễn xuất bậc thầy của những bậc cha chú như Hoài Linh, Chí Tài thì hẳn là bạn sẽ phải bật khóc giữa rạp đấy.

Mở đầu phim là cảnh tuyết trắng xóa khá đẹp, điều mà người dân Việt Nam nào cũng ao ước được một lần nhìn thấy. Giữa cái cảnh trắng xóa ấy như được bao trùm thêm bởi nỗi nhớ nhà, sự cô đơn của ông Tư, ông Năm; khi mà suốt ngày họ phải ở trong những viện dưỡng lão tù túng, cuộc sống chỉ quanh quẩn bốn bức tường và chẳng hề được nghe tiếng cười đùa của con cháu. Để rồi họ phải trốn về nhà, và xung đột giữa các thế hệ “bùng nổ” từ đây. Với chúng ta – những người con dân đất Việt thì chẳng xa lạ gì việc cha mẹ đôi khi có thể đọc vài dòng nhật ký của con, hay đêm khuya thì ba mẹ có thể vào phòng và chăm lo cho giấc ngủ của con mình. Thế nhưng trong mắt một người sinh ra và lớn lên ở Mỹ, đứa cháu đã coi ông nội của mình như là kẻ tội phạm, hay nặng nề hơn là gọi ông là kẻ điên. Với phần mở đầu khá nhẹ nhàng, yên bình, để rồi khi xung đột giữa các thế hệ xảy ra, mọi thứ được đẩy lên đỉnh điểm, tạo cho khán giả những cung bậc cảm xúc lạ kỳ, hay thậm chí là những giọt nước mắt rơi.

Dạ cổ hoài lang.
ông Năm và ông Tư trong phim Dạ Cổ Hoài Lang.

Càng về sau thì Dạ Cổ Hoài Lang càng mang đến cho khán giả nhiều bất ngờ, cũng như tình tiết trở nên logic hơn. Nhà sản xuất cũng đã đẩy nhịp phim lên đỉnh điểm, nhưng cũng đã khéo léo kiềm chế câu chuyện, để mọi thứ không bị làm quá lên, và để rồi ở cuối phim, mọi thứ lại kết thúc trong nghẹn ngào cay đắng. Tâm điểm của bộ phim vẫn là ông Tư (Hoài Linh), ông Năm (Chí Tài) và vai ông bố. Chú Hoài Linh và Chí Tài thì đã từng trải rồi, đã sống ở nước ngoài lâu năm, biết thế nào là nỗi nhớ quê hương da diết, vậy nên diễn xuất của họ rất thật. Khi chú Hoài Linh cất giọng lên và ca bài Dạ Cổ Hoài Lang thì cũng là lúc mà cảm xúc vỡ òa, cả rạp im lặng, loáng thoáng đâu đó những tiếng nấc nghẹn ngào.

Bên cạnh những cái hay thì cũng có một vài ý kiến mà Khen Phim vô tình nghe được rằng bộ phim Dạ Cổ Hoài Lang đôi khi vẫn còn vài chỗ quá kịch, tuy nhiên khi xét về tổng thể thì vẫn tốt và tạo được cảm xúc cho khán giả. Thậm chí họ còn cho rằng phim này sẽ “hốt” (ý nói doanh thu khủng). Và Khen Phim cho rằng giá như cái kết nhẹ nhàng hơn, có hậu hơn thì sẽ tốt biết bao.

Dạ Cổ Hoài Lang bắt đầu chiếu từ ngày 24/3 đó các bạn, tiếc gì 1 tấm vé ủng hộ cho phim Việt chứ 😉

Mọi bài đánh giá đều chỉ là cảm nhận cá nhân của người viết. Nếu bạn muốn góp ý cho bài review, xin vui lòng comment với ngôn ngữ lịch sự và tôn trọng người khác.

1 Comment
Inline Feedbacks
View all comments