Khách Sạn Ma (Haunted Hotel) lại là một phim nữa thuộc thể loại kinh dị, ma quỷ. Được quay tại khách sạn Amber Court, cao nguyên Genting, Malaysia – một trong những địa điểm được đồn đoán là có ma nữ không đầu thường gào thét vào mỗi đêm để tìm cho ra cái đầu của mình. Trong phần nội dung sắp tới của bài review, một vài tình tiết trong phim sẽ được tiết lộ, mong bạn cân nhắc trước khi đọc tiếp.

Khách Sạn Ma
Poster Khách Sạn Ma

Nội dung

Một cặp đôi trẻ có chuyến công tác đến Malaysia, sẵn tiện họ đến cao nguyên Genting để nghỉ dưỡng, nhưng mà không ngờ rằng, có quá nhiều chuyện kỳ bí đã xảy ra kể từ khi họ nhận căn phòng số 1174 ở khách sạn Amber Court. Rất nhiều hiện tượng lạ liên tiếp diễn ra, như cánh cửa tủ đồ tự động mở, TV bỗng dưng bật lên, hay kinh dị hơn là việc nữ chính liên tục thấy những nhân vật kỳ lạ ở hành lang khách sạn. Cặp đôi trẻ nhanh chóng rời khách sạn ngay trong đêm, nhưng ma quỷ có vẻ như chẳng muốn buông tha họ.

Nhà sản xuất Khách Sạn Ma ngay từ lúc bấm máy đã quyết định làm hai cái kết khác nhau để phù hợp với khâu kiểm duyệt và “thuần phong mỹ tục” ở mỗi quốc gia. Bản phim được chiếu tại Việt Nam cũng được chiếu tại Trung Quốc, và cái kết của bản phim này tách rời hoàn toàn so với phần câu chuyện trước đó, đồng thời nó cũng chưa làm rõ nhiều chi tiết khó hiểu như tại sao bạn trai của nữ chính lại mất đầu, nhân vật Chen mà cô này gặp ở Malaysia thực ra là cảnh sát hay anh này chỉ đang thôi miên cô và làm cho cô tin rằng anh ta là cảnh sát. Yếu tố siêu nhiên, ma quỷ hay thế giới tâm linh cũng bị hạn chế nhắc tới trong cái kết, điều này khá giống với các phim kinh dị Việt Nam, khi cái kết phim sẽ lý giải mọi thứ đều do con người làm, hoặc chí ít là nhân vật của chúng ta chỉ đang nằm mơ. Sau buổi chiếu sớm dành cho báo chí, Khách Sạn Ma đã gây ra khá nhiều tranh cãi, ngay cả 3 bạn đi xem cùng với Khen Phim thì mỗi người lại hiểu cái kết phim theo một cách khác nhau, kéo theo đó là việc lý giải các tình tiết trước đó theo một cách khác hoàn toàn so với những người còn lại.

Khách Sạn Ma có nội dung không mới, tuy nhiên cách dẫn chuyện đã làm khán giả tò mò và muốn tiếp tục xem phim, mặc dù mạch phim chưa đủ sự hấp dẫn. Và chính việc cái kết phim đã bị điều chỉnh cho phù hợp với thị trường Việt Nam nên có vẻ như các chi tiết bị rời rạc, thiếu sự liên kết với nhau, cũng như chưa làm rõ được toàn bộ câu chuyện.

Khách sạn ma banner
Banner quảng cáo Khách Sạn Ma

Diễn viên và diễn xuất

Nhờ vào danh tiếng của mình tại châu Á, ngôi sao Thái Lan Aom Sushar đã được tin tưởng giao cho vai nữ chính trong phim Khách Sạn Ma. Aom đã thành công trong loạt phim truyền hình “Ngôi Nhà Hạnh Phúc” và “Trái Tim Mùa Thu” phiên bản Thái. Thế nhưng “Yes or No” – một bộ phim về đề tài đồng tính nữ của Thái Lan mới chính là bệ phóng để đưa danh tiếng Aom Sushar bay cao và bay xa hơn ở khu vực châu Á. Khách Sạn Ma có phần thoại phần lớn là tiếng Trung, tuy nhiên Aom Sushar chỉ có thể đọc hiểu tiếng Trung ở mức cơ bản nên phần thoại của cô trong Khách Sạn Ma hầu hết chỉ là những câu đơn giản. Và tiện thể đang nói đến phần thoại thì trong phim có một câu khá buồn cười, không biết có phải do lỗi dịch phụ đề hay không mà nhân vật nữ chính đã phán một câu xanh rờn với bạn trai rằng “Chỉ là ung thư thôi mà!” – ám chỉ bệnh ung thư chỉ nhẹ tựa lông hồng cỡ như cảm cúm thông thường theo mùa. Quay lại với diễn xuất của Aom Sushar, vai diễn của cô cần thể hiện rất nhiều hành động, từ hạnh phúc, lo lắng, sợ hãi cho đến gào thét. Chính vì phải thể hiện quá nhiều cảm xúc như vậy nên đôi khi khuôn mặt hơi bị đơ, nếu bạn nào xem qua rồi thì có thể để ý đoạn cô này rơi từ trên cao xuống là sẽ thấy yếu điểm này.

Khách Sạn Ma

Âm thanh, hình ảnh, kỹ xảo

Khách Sạn Ma chưa phải là phim xuất sắc về kỹ xảo, tuy nhiên cũng không phải là tệ. Mọi thứ vẫn ở mức trung bình khá, mang lại cảm giác sợ hãi và đôi lúc giật mình cho khán giả. Các màn hù dọa đối với một người chai lì phim ma như admin Khen Phim thì phim này không hề đáng sợ gì cả, tuy nhiên, vẫn có nhiều bạn xung quanh tỏ vẻ sợ hãi và liên tục giật mình khi xem phim này. Đóng góp vào việc hù dọa khán giả thì ngoài hình ảnh, âm thanh cũng là yếu tố rất quan trọng. Trong Khách Sạn Ma, nhà sản xuất đã tận dụng tốt hệ thống âm thanh vòm, định hướng cho khán giả những âm thanh như tiếng gõ cửa, tiếng gào thét khá tốt. Nhiều khi nghe âm thanh thôi cũng thấy đủ rùng rợn rồi. Và do quá tập trung vào yếu tố ma mị trong khách sạn Amber Court nên phim chỉ quay phần lớn tại tầng 11 của khách sạn này, không hề có những cảnh đẹp lung linh của cao nguyên Genting.

Bình luận thêm về Khách Sạn Ma

Khi xem bản chiếu rạp ở Việt Nam, bạn sẽ thấy tên phim tiếng Anh hiển thị là Haunted Road II (Con Đường Ma Ám 2). Sở dĩ có tên này vì trên phim cũng có nhắc tới con đường ma ám Karak ngoằn ngoèo bao quanh núi, với nhiều tai nạn xảy ra cùng vô số truyện ly kỳ được những người sống sót trở về kể lại. Và đạo diễn cũng muốn ăn theo tác phẩm Haunted Road ở Trung Quốc, mặc dù hai phim có nội dung độc lập với nhau nên họ mới đặt tên này. Nếu bạn “cứng” như mình, thì phim này không dọa được bạn đâu, nhưng nếu bạn tò mò muốn biết cái kết cho thị trường VN ra sao, thì hãy thử xem phim 😉

Hình ảnh tại buổi họp báo:

Haunted Hotel

Nội dung - 6
Diễn viên và diễn xuất - 6.5
Âm thanh, hình ảnh, kỹ xảo - 7

6.5

Khách Sạn Ma thích hợp để coi giải trí, cái kết đã bị biến tấu cho phù hợp với khâu kiểm duyệt ở VN nên sẽ bị rời rạc so với phần còn lại của phim. Bạn nào muốn trải nghiệm cảm giác sợ thật sự thì phim CHƯA đáng ứng được.

MUA VÉ
User Rating: 1.7 ( 4 votes)

Mọi bài đánh giá đều chỉ là cảm nhận cá nhân của người viết. Nếu bạn muốn góp ý cho bài review, xin vui lòng comment với ngôn ngữ lịch sự và tôn trọng người khác.