Khi Con Là Nhà khác hẳn với những bộ phim trước đây mà Lương Mạnh Hải và Vũ Ngọc Đãng từng sản xuất. Nếu như trong 2 phần Hotboy Nổi Loạn, Lương Mạnh Hải và La Quốc Hùng là những gã trai đứng đường với dáng vẻ bụi bặm thì nay hình tượng đó đã mất hẳn. Họ hóa thân trở thành những con người bình dị ở thôn quê, hay đơn giản là một kẻ bị số phận đưa đẩy nên phải giả què quặt để ăn xin qua ngày.

Nội dung phim

Cu Bi và Quang (cha) sống hạnh phúc bên nhau ở một làng quê thanh bình. Vốn dĩ mê cờ bạc, lô đề, đá gà nên kiếm được bao nhiêu tiền thì Quang đều “nướng” vào đó cả, khiến cho cậu con trai mới 6 tuổi phải sống trong cảnh nghèo khó, đôi khi đến kem đánh răng cũng không có mà dùng. Một hôm nọ, sau khi xảy ra biến cố, hai cha con bất đắc dĩ mới phải lên Sài Gòn. Tại chốn xa lạ này, cu Bi bị lạc mất cha và rơi vào tay những kẻ dùng trẻ em để trục lợi. Bộ phim Khi Con Là Nhà sẽ kể về hành trình mà hai cha con tìm nhau giữa nơi đất khách quê người.

Làng quê trong Khi Con Là Nhà
Khung cảnh làng quê rất đẹp trong Khi Con Là Nhà

Diễn viên và diễn xuất

Một trong những điểm thu hút khán giả nhất trong Khi Con Là Nhà chính là diễn xuất của bé Duy Anh (vai cu Bi). Khen Phim rất bất ngờ khi Duy Anh có thể khóc rất thật và la hét rất tự nhiên trong phim. Khi bị ba ép về quê, cu Bi gào lên rất to rằng mình bị “bắt cóc”, thế nhưng khi thấy những người xung quanh lao vào đánh ba mình, cậu bé này lại thể hiện khuôn mặt lo lắng, khác hẳn với vẻ mặt giận dữ và khó chịu trước đó. Lương Mạnh Hải thì như đã “lột xác” hoàn toàn, không còn vẻ mặt bụi đời như trong Hotboy Nổi Loạn nữa, mà thay vào đó, sự khổ cực và lo lắng cho đứa con trai duy nhất lại hằn rõ trên khuôn mặt anh.

Lương Mạnh Hải cùng "con trai" trong phim Khi Con Là Nhà
Lương Mạnh Hải & bé Duy Anh

Cảm xúc của khán giả khi xem Khi Con Là Nhà có thể bị lưng lửng, không dâng đến cao trào vì phim vẫn còn thiếu một chút tình tiết căng thẳng. Thêm nữa, khi mà diễn xuất của bé Duy Anh và Lương Mạnh Hải dù tốt về chất lượng nhưng lại thiếu số lượng cũng khiến cho Khi Con Là Nhà không thể đạt đến cao trào đỉnh điểm. Giá như việc tìm con trở nên phức tạp hơn một chút, và có biến cố gì đó nặng nề hơn, thì chắc chắn cặp đôi cha con này sẽ lấy được nhiều cảm tình hơn từ phía khán giả.

Âm thanh, hình ảnh, kỹ xảo

Một câu hát văng vẳng trong đêm tối có thể khiến bạn lầm tưởng rằng ai đó đang hát trong rạp, thế nhưng hóa ra đó lại là một phần âm thanh của phim. Ngoài tiếng hát, thì tiếng chim hót, những tiếng động khác hay lời thoại của nhân vật cũng đều được nhà sản xuất chăm chút kỹ, có tận dụng tốt hệ thống âm thanh đa kênh trong rạp, mặc dù tần suất không dày lắm. Bù lại, hình ảnh trong phim lại mang nét bình dị, trong trẻo, tự nhiên và rất mộc mạc. Trước khi phim chiếu, Lương Mạnh Hải và Vũ Ngọc Đãng có chia sẻ rằng các cảnh quay ban đêm trong Khi Con Là Nhà đều không sử dụng đèn trợ sáng, thay vào đó đoàn làm phim quyết định sử dụng ánh sáng từ đèn đường để tạo cảm giác chân thật nhất cho khán giả khi xem phim. Và quả thực vậy, ngoài việc bạn sẽ thấy choáng ngợp với cảnh cánh đồng lúa xanh mướt thì những cảnh quay ban đêm cũng rất tự nhiên, như chính những gì mà đôi mắt của bạn vẫn thấy trực tiếp vậy.

Vé xem phim Khi Con Là Nhà tại buổi lễ ra mắt
Vé xem phim Khi Con Là Nhà tại buổi lễ ra mắt

Khi Con Là Nhà nổi bật lên với những hình ảnh đơn sơ, bình dị nhưng lại dễ dàng chiếm được cảm tình của khán giả. Mặc dù mạch phim chưa được thỏa mãn nhiều khán giả, tuy nhiên Khi Con Là Nhà sẽ vẫn là một bộ phim nhẹ nhàng, ấm áp, mang đậm tình cảm gia đình, nhất là dịp Tết Nguyên Đán đang đến gần hơn – là ngày gia đình sum họp, quây quần bên nhau.

Một vài hình ảnh tại buổi lễ ra mắt phim

Khi Con Là Nhà

Nội dung - 6.5
Diễn viên và diễn xuất - 7.5
Âm thanh, hình ảnh, kỹ xảo - 8

7.3

ỔN

User Rating: Be the first one !

Mọi bài đánh giá đều chỉ là cảm nhận cá nhân của người viết. Nếu bạn muốn góp ý cho bài review, xin vui lòng comment với ngôn ngữ lịch sự và tôn trọng người khác.