Spider-Man: Homecoming (tên tiếng Việt: Người Nhện: Trở Về Nhà) cũng không phải là bộ phim xa lạ gì với nhiều thế hệ ở Việt Nam. Với thương hiệu “Spider-man” nổi tiếng, cùng bộ đồ siêu anh hùng đặc trưng của Peter Parker thì hẳn là ai cũng sẽ mua vé ra rạp để xem lần tái xuất này của Người Nhện có hoành tráng và đáng “đồng tiền bát gạo” hay không.

Nội dung

Một vài tháng sau sự kiện “đình đám” Captain America: Civil War thì Peter Parker đã trở về lại New York và cố gắng cân bằng cuộc sống giữa một cậu học sinh trung học bình thường với một vỏ bọc khác là Spider-Man, tất nhiên lần này thì Peter được dẫn dắt dưới bàn tay của “cố vấn” là Tony Stark (Iron Man). Trong lúc chiến đấu chống lại bọn tội phạm vặt vãnh ở New York thì vô tình Peter đã “vớ” được một mẻ lớn, một tên tội phạm sừng sỏ – Vulture.

Diễn viên và diễn xuất

Chàng trai trẻ Tom Holland thì đâu còn lạ lẫm gì với mọi người đúng không nào? Sinh năm 1996, nhưng tới nay thì Tom đã tham gia diễn xuất (và thành công) ở rất nhiều siêu phẩm đình đám như The Lost City of ZThe Impossible,… và bạn cũng sẽ được gặp lại trai đẹp này trong Avengers: Infinity War, dự kiến phát hành vào năm 2018. Quay lại với Spider-Man: Homecoming, Tom Holland đã hoàn thành tốt vai diễn của một cậu thiếu niên 15 tuổi, với biết bao dằn vặt trong tâm trí và mệt mỏi với chuyện bài vở ở trường học, hay đơn giản và chuyện thầm thương trộm nhớ một cô bạn cùng trường; tất cả những cảm xúc ấy đều được diễn tả một cách hoàn chỉnh chứ không hề bị kiểu nửa vời. Ngoài ra, bạn cũng sẽ được gặp lại dì May trong một “bộ dạng” mới, trẻ trung và thấu hiểu tâm lý con trẻ hơn với sự nhập vai của nữ diễn viên Marisa Tomei.

Spider-Man: Homecoming
Poster của phim. Ảnh: IMDb.

Âm thanh, hình ảnh, kỹ xảo

Spider-Man: Homecoming mang đến cho khán giả một trải nghiệm mới so với các phim ra mắt gần đây, khi mà phần âm thanh “dội từ sau” xuất hiện rất nhiều lần trong các phân cảnh chiến đấu, đã lâu rồi Khen Phim chưa được xem một bộ phim mà toàn bộ các kênh âm thanh đều được tận dụng tốt và đều nhau như Spider-Man lần này. Tuy thế, khâu làm kỹ xảo hình ảnh lại hơi bị thiếu đồng bộ vì khán giả dễ dàng nhận ra là kỹ xảo được làm từ nhiều bên khác nhau. Thực tế thì ở phần credit cũng đã chứng minh điều này, rất nhiều các tổ chức khác nhau đã được thuê để làm kỹ xảo điện ảnh cho Spider-Man: Homecoming. Ở phần đầu, kỹ xảo khá tệ, nhiều chi tiết ảo ảo, nhưng cảnh rơi máy bay trên bãi cát ở cuối phim thì lại chân thật hơn rất nhiều, điều này cũng góp phần làm cho cảm xúc của khán giả có “nhỉnh” chút xíu khi càng về đến cuối phim. Bạn nào muốn xem IMAX 3D thì cũng không cần thiết đâu nhé, vì IMAX và 3D của phim này đều là hàng “độ” cả, dân gian gọi là “fake” đấy.

Spider-Man: Homecoming
Peter và cậu bạn thân – Ned.

Nên xem Spider-Man: Homecoming hay không?

Spider-Man: Homecoming chưa phải là siêu phẩm hoành tráng và hấp dẫn, tuy nhiên nó cũng không đến nỗi có nội dung tệ hại như Transformers 5. Bỏ qua phần phụ đề Việt dịch không được chuẩn nghĩa cho lắm thì bạn vẫn có thể thưởng thức những màn đánh nhau khá ổn, hoặc để thấu hiểu hơn về tâm trạng của một cậu học sinh trung học với Spider-Man: Homecoming. Và đừng quên ở lại xem cho hết 2 đoạn after credit bạn nha.

Spider-Man: Homecoming

Nội dung - 6.5
Diễn viên và diễn xuất - 7.5
Âm thanh, hình ảnh, kỹ xảo - 7.5

7.2

BÌNH THƯỜNG

Phim có nội dung bình thường, kỹ xảo có chất lượng không đồng nhất.

User Rating: 2.53 ( 9 votes)

Mọi bài đánh giá đều chỉ là cảm nhận cá nhân của người viết. Nếu bạn muốn góp ý cho bài review, xin vui lòng comment với ngôn ngữ lịch sự và tôn trọng người khác.