Toy Story 4 (Câu Chuyện Đồ Chơi 4) đã ra mắt sau 9 năm kể từ thời điểm phần 3 được trình diện khán giả. Bài review này được một fan lâu năm của loạt phim này viết, vì vậy chắc chắn sẽ có những sự so sánh với 3 phần đầu.

Dành cho những bạn chưa từng xem phần phim Toy Story nào, thì đây là bộ phim kể về câu chuyện của những đồ chơi. Khi có sự hiện diện của con người, họ là món đồ chơi vô tri vô giác. Nhưng khi con người rời đi, chúng sẽ “sống”. Đồ chơi được nhân cách hóa, cũng biết nói cười, biết vui buồn, và mỗi đồ chơi là một tính cách khác nhau, mỗi sở trường khác nhau, và cả số phận khác nhau. Chúng chỉ cũ đi, chứ không già đi. Nhưng quan trọng hơn hết, sau mỗi chuyến phiêu lưu, chúng sẽ trưởng thành theo cách riêng của mình.

Poster phim Toy Story 4
Poster phim Toy Story 4

Đồ chơi có chủ tốt, chúng sẽ hạnh phúc. Đồ chơi gặp phải chủ xấu, chúng bất hạnh. Phần 1 là câu chuyện “chào sân”, đơn giản là thả khá giả vào cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ của những món đồ chơi. Từ phần 2 trở đi, câu chuyện kết nối với nhau, và mỗi chuyến phiêu lưu sẽ động lại những thông điệp riêng biệt vô cùng ý nghĩa. Phần 3 kết thúc bằng việc Andy phải rời xa những món đồ chơi – tượng trưng cho tuổi thơ của mỗi người chúng ta. Và thế là chú cao bồi Woody cùng các bạn có người chủ mới: cô bé Bonnie.

Điện ảnh không thiếu những bộ phim có nhiều phần, nhưng cũng chẳng nhiều những phần sau hay hơn phần trước. Toy Story đã từng là ngoại lệ khi phần 2 hay ngang ngửa phần 1 và phần 3 để lại nhiều cảm xúc nhất trong loạt phim. Lúc bấy giờ, nhà sản xuất đã từng tuyên bố, đây sẽ là phần cuối cùng, khép lại hành trình phiêu lưu của Woody. Dẫu rất buồn, nhưng khán giả cũng đã hài lòng với cái kết không thể đẹp hơn đó. Ấy vậy mà, cuối cùng, tựa phim này lại tiếp tục được Disney và Pixar đưa ra để “vắt sữa” fan sau 9 năm gián đoạn.

Toy Story 4 - ảnh phim

Cốt truyện của phần 4 xoay quanh cuộc sống mới của Woody và bè bạn. Lúc này đây Bonnie chuẩn bị đi học và dù Woody không còn là món đồ chơi được yêu thích nhất, cậu vẫn lo lắng cho Bonnie. Woody bây giờ không còn ích kỷ nữa, chỉ cần là đồ chơi mà Bonnie thích, cậu sẽ hết lòng bảo vệ. Và đó là Forky, món đồ chơi tái chế mà Bonnie đã tự làm. Trên đường giải cứu Forky khỏi tiệm đồ cổ, Woody đã gặp lại mối tình đầu Bo Beep. Và cuối cùng, Woody phải lần nữa đưa ra lựa chọn, về nơi mà mình sẽ thuộc về.

Như đã nói ở trên, câu chuyện mà lần này chúng ta được kể thật sự không thể hay như các phần trước. Ở đó có một thông điệp mới mẻ và cả những ký ức đẹp đẽ của 3 phần trước. Thế nhưng, do “hoài niệm quá khứ quá đà”, nên Toy Story 4 hơi khó hiểu với trẻ em và hơi buồn ngủ với người lớn. Câu chuyện vẫn xúc động, nhưng chưa thật sự đẩy cảm xúc của khán giả lên cao nhất. Khi Woody gặp lại Bo Beep, khi Woody đứng trước lựa chọn lớn trong đời… đáng lý ra nó sẽ làm khán giả nghẹn ngào như lúc mà Andy hốt hoảng níu kéo Woody ở cuối phần 3, thì tất cả chỉ dừng lại ở chút gì đó buồn buồn mà thôi. Và cả những cuộc phiêu lưu, thật sự nó không đủ hồi hộp và căng thẳng như cách mà những phần trước đã làm. Những phần trước, tốc độ là yếu tố sống còn, nhưng ở phần này, tất cả nhường bước cho những lời tự sự có phần sến súa và giải thích quá nhiều. Một ánh mắt, một cử chỉ cũng đủ để khán giả thắt tim, thì phần này, khán giả phải ngán ngẩm vì thoại quá nhiều.

Ảnh phim Câu Chuyện Đồ Chơi 4

Hình ảnh của phim vẫn được thể hiện tốt như trước nhưng vì cuộc phiêu lưu quá đơn giản nên sẽ không để lại gì nhiều với khán giả. Các nhân vật mới có thể giúp bạn cười, nhưng thật sự câu chuyện riêng tư của họ cũng chưa được khai thác khéo léo như ở những phim trước.

Ở Toy Story 4 có lẽ bạn có xem lồng tiếng hay phụ đề đều không quan trọng. Vì bản lồng tiếng dù có chút hơi sượn sượn nhưng tất cả đều vẫn làm khá tốt, điểm trừ chỉ là phần nhạc được Việt hóa không được hay. Nếu như nghe bản nhạc gốc từ phim có lẽ sẽ lấy được nhiều cảm xúc của khán giả hơn. Hiển nhiên là khi xem lồng tiếng thì khán giả sẽ không nghe được chất giọng hài hước và lầy lội của cặp đôi Keegan-Michael Key và Jordan Peele. Thay vào đó bạn sẽ được nghe giọng của 2 diễn viên hài Xuân Nghị và Quang Trung.

Âm thanh của phim được xây dựng khá tốt dù không có nhiều đất để dụng võ vì cuộc phiêu lưu khá đơn giản. Dù xem bản lồng tiếng mình vẫn có thể nghe được tiếng nói chuyện của các nhân vật từ mọi phía, nói chính xác hơn là có đoạn nhân vật đó đứng phía bên nào nói thì bạn sẽ nghe từ phía bên đó. Các kênh âm thanh cũng như sự xa gần đều được âm thanh thể hiện rất tốt.

Ảnh trong phim Câu Chuyện Đồ Chơi 4

Âm nhạc không phải là điều ấn tượng ở phần 4. Hình ảnh cũng ở mức vừa phải. Và thật ra thì cái ăn điểm ở 3 phần trước cũng không nằm ở những yếu tố này, mà tất cả là ở cốt truyện. Và cốt truyện ở phần 4, không quà xuất sắc. Tuy thế, nếu bạn đã từng lớn lên cùng Woody, từng rung động như thấy chính mình trong câu chuyện của họ, thì vẫn nên đi xem phần 4. Biết đâu đấy trong cuộc sống thật của bạn, bạn gặp bế tắc, bạn đang bối rối không biết phải lựa chọn thế nào, thì có thể, Toy Story sẽ mở ra cho bạn một lối đi.

Toy Story 4 xét độc lập là một bộ phim hay, nhưng đặt cạnh 3 phần phim trước, nó là phần ít hay nhất.

Toy Story 4

Nội dung - 7
Diễn viên và diễn xuất - 8
Âm thanh, hình ảnh, kỹ xảo - 7.5

7.5

Toy Story 4 xét độc lập là một bộ phim hay, nhưng khi so với 3 phần phim trước thì đây là phần ít hay nhất.

MUA VÉ
User Rating: Be the first one !