Bằng Chứng Vô Hình của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh là phát súng đầu tiên trong tháng 7 của phim Việt chiếu rạp. Với dàn diễn viên bao gồm những cái tên có tiếng như Quang Tuấn, Phương Anh Đào thì khán giả sẽ được tận hưởng những giây phút nghẹt thở và đầy đau đớn khi nhân vật Thu bị một kẻ biến thái truy đuổi.
Do được remake từ kịch bản gốc là “Blind” nên phim này sẽ không khác gì cả nếu bạn đã coi bản của Hàn Quốc. Nội dung của Bằng Chứng Vô Hình xoay quanh Thu (Phương Anh Đào vào vai) – một cô gái mù sống một mình cùng chú chó trong căn nhà rộng lớn. Một hôm nọ, trên đường từ nhà dì về nhà, Thu đụng độ với Lê (Quang Tuấn), hắn giả dạng làm tài xế taxi để dụ cô lên xe. Không một chút nghi ngờ, Thu lên xe và dần phát hiện ra những chi tiết đáng ngờ. Ngay ngày hôm sau, sở cảnh sát nhận được lời khai của Thu về một vụ tai nạn do chính gã tài xế đã chở cô gây ra. Trớ trêu thay, tại thời điểm đó cảnh sát không tìm thấy dấu hiệu của vụ va chạm nào cả, và càng kịch tính hơn khi Hải (Otis) lại có lời khai trái ngược hoàn toàn với Thu. Tiếp sau đó là hàng loạt diễn biến khiến khán giả phải rùng mình ớn lạnh với độ biến thái của Lê khi hắn có những hành động gây ra sự đau đớn tột cùng cho Thu và Hải.
Thật sự là nửa đầu tiên của phim bị kém hấp dẫn, các tình tiết có gượng gạo và theo Khen Phim thấy thì các chi tiết đó có phần diễn ra quá nhanh theo một cách không tự nhiên. Thế nhưng đến nửa sau thì Bằng Chứng Vô Hình đã chứng minh được sức hấp dẫn của mình với những màn rượt đuổi thót tim kiểu mèo vườn chuột giữa Lê, Hải, Thu. Nhạc nền được bổ sung vào cực kỳ đúng chỗ với nhịp điệu tăng dần đều, tạo ra được cảm giác hồi hộp khó tả cho khán giả. Một cô gái mù với một chú chó sẽ chạy trốn kẻ biến thái giữa đêm tối vắng hoe, không một bóng người, điều này càng gợi thêm sự ghê rợn cho người xem.
Diễn xuất của Phương Anh Đào không hề bị suy giảm mà trái lại, còn tăng dần qua các phim, rất có thể sau này các nhà sản xuất phim sẽ bắt đầu săn đón nhiều hơn nữ diễn viên trẻ vừa đẹp về ngoại hình và lại vừa có khả năng diễn xuất xuất thần như vậy. Để đóng vai một người mù, Phương Anh Đào đã dành thời gian để tìm hiểu lối sinh hoạt của những người mù, học cách đi lại để làm sao cho nhân vật của mình phải thật giống người mù. Những đoạn la hét đầy đau đớn khi bị tên biến thái đánh đập te tua cũng khiến khán giả thương xót cho nữ diễn viên này, đồng thời nâng nhịp phim lên một tầm cao mới. Hi vọng những cảnh quay nguy hiểm như vậy đã có diễn viên đóng thế hoặc sử dụng các kỹ thuật quay phim để giảm các chấn thương xảy ra cho diễn viên, nhưng dù sao lên phim nhìn Phương Anh Đào bị đánh mà mình cũng xót lắm. Chú chó Ben dù đất diễn không nhiều mà vẫn có thể để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả, nhất là khi Ben cố tìm cách cứu chủ của nó.
Phía phản diện thì có Quang Tuấn với khuôn mặt toát lên vẻ độc ác, biến thái. Có vẻ diễn viên này đang dần khẳng định được rằng mình rất hợp với những vai ác, vai biến thái. Kể từ tựa phim Thất Sơn Tâm Linh thì khán giả cuồng phim chắc chắn đã cảm nhận được khuôn mặt máu lạnh của “thầy lang Huỳnh” ghê gớm đến cỡ nào rồi đó. Cả Phương Anh Đào và Quang Tuấn một 9, một 10, ai cũng đều thể hiện tốt vai diễn của mình, tô đậm thêm cho sự đối lập giữa 2 tuyến nhân vật trong tựa phim Bằng Chứng Vô Hình.
Dù có nhiều điểm đáng khen nhưng Khen Phim vẫn hơi buồn vì phim còn chưa trọn vẹn lắm về mặt hình ảnh. Ở các cảnh tối, khán giả có thể nhận ra được hiện tượng “nhiễu hạt” xảy ra rất rõ ràng, đôi khi còn gây mất đi các chi tiết của đồ vật cũng như chi tiết trên khuôn mặt diễn viên. Bù lại thì khâu âm thanh lại được đầu tư chỉn chu với âm thanh vòm đa kênh, mưa rơi như thật từ trên trần, sấm chớp đì đoàng, thậm chí tiếng rao “bánh chưng, bánh giò” đặc trưng trong những con hẻm Sài Gòn cũng được tái hiện chân thật khi tiếng rao di chuyển từ phải qua trái rồi nhỏ dần. Một vài chi tiết khác mà Khen Phim cho rằng đó có thể là “sạn” của phim, ví dụ như việc 2 cảnh sát có thể tự do vào nơi ở của gã biến thái mà chẳng cần xin phép gì cả, mình không rành luật lắm nên không rõ là có trường hợp ngoại lệ nào cho phép cảnh sát “đột nhập” vào nhà người dân như vậy hay không? Sạn tiếp theo là tại sao một tên tội phạm tinh vi như Lê lại “quên” xóa dấu giày tại nhà nạn nhân?
Không chỉ lên tiếng cảnh báo giới trẻ về những app hẹn hò mà Bằng Chứng Vô Hình còn đem đến thông điệp nhân văn về tình cảm gia đình, về những người thân yêu. Chúng ta hãy cứ yêu thương họ đi, vì biết đâu một giây phút nào đó, biến cố ập đến và ta chẳng còn cơ hội nào để yêu thương họ nữa đâu.